Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao một số loại thực phẩm được phân loại là “hữu cơ”? Thực phẩm hữu cơ là gì và nó có tốt hơn các loại thực phẩm khác không? Hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về thực phẩm hữu cơ, hay còn gọi là thực phẩm organic hoặc thực phẩm sạch.
1. Thực phẩm hữu cơ là gì ?
Thực phẩm hữu cơ đã trở nên bùng nổ và phổ biến trong hai thập kỷ qua. Trên thực tế, người tiêu dùng chỉ tính riêng trong phạm vi Hoa Kỳ đã chi 39,1 tỷ đô la cho sản phẩm hữu cơ vào năm 2014. Sự phổ biến dường như không có xu hướng dừng lại, khi doanh số bán hàng tăng hơn 11% từ năm 2014 đến năm 2015.
Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm hữu cơ an toàn hơn, lành mạnh hơn và ngon hơn thực phẩm thông thường. Tuy nhiên, những người khác cho rằng những loại thực phẩm hữu cơ chỉ tốt hơn cho động vật cũng như môi trường.
Bài viết này sẽ đưa ra những so sánh một cách khách quan thực phẩm hữu cơ và không hữu cơ, bao gồm cả hàm lượng chất dinh dưỡng và tác dụng của chúng đối với sức khỏe con người.
Thực phẩm hữu cơ là gì? Thuật ngữ “hữu cơ” là một loại thuật ngữ dùng để đề cập đến quá trình sản xuất một số loại thực phẩm. Thực phẩm hữu cơ đã được trồng hoặc nuôi trồng mà không sử dụng hóa chất nhân tạo, kích thích tố, kháng sinh hoặc sinh vật biến đổi gen. Để được coi là một thực phẩm hữu cơ, một sản phẩm thực phẩm phải không có phụ gia thực phẩm nhân tạo. Các loại phụ gia được đề cập đến bao gồm chất làm ngọt nhân tạo, chất bảo quản, phẩm màu, hương liệu và bột ngọt (MSG). Cây trồng hữu cơ có xu hướng sử dụng phân bón tự nhiên như phân chuồng để cải thiện sự phát triển của cây. Động vật được nuôi theo phương pháp hữu cơ cũng không được sử dụng thuốc kháng sinh hoặc kích thích tố. Canh tác hữu cơ có xu hướng cải thiện chất lượng đất và bảo tồn nguồn nước ngầm. Nó cũng làm giảm ô nhiễm và có thể tốt hơn cho môi trường.
Thực phẩm hữu cơ được tiêu thụ phổ biến nhất là trái cây, rau, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa và thịt. Ngày nay, cũng có nhiều sản phẩm hữu cơ đã qua chế biến, chẳng hạn như sô-đa, bánh quy và ngũ cốc ăn sáng.
2. Các chất dinh dưỡng trong thực phẩm hữu cơ
Thực phẩm hữu cơ có thể chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn. Các nghiên cứu so sánh hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm hữu cơ và không hữu cơ đã cung cấp các kết quả khác nhau. Điều này rất có thể là do sự biến đổi tự nhiên trong quá trình xử lý và sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy thực phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ có thể bổ dưỡng hơn.
Cây trồng được trồng theo phương pháp hữu cơ có chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin hơn. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thực phẩm hữu cơ thường chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn và một số vi chất dinh dưỡng nhất định, chẳng hạn như vitamin C, kẽm và sắt. Trên thực tế, mức độ chống oxy hóa có thể cao hơn tới 69% trong những thực phẩm này. Một nghiên cứu cũng cho thấy rằng, các loại quả mọng và ngô trồng theo phương pháp hữu cơ chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn 58% và lượng vitamin C cao hơn tới 52% so với thực phẩm nuôi trồng theo cách thông thường.
Hơn nữa, một nghiên cứu cũng đã báo cáo rằng, việc thay thế trái cây, rau và ngũ cốc thông thường bằng các loại rau và trái cây hữu cơ có thể cung cấp thêm chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống. Điều này có thể so sánh với việc ăn thêm 1 – 2 phần trái cây và rau mỗi ngày. Thực vật hữu cơ không phụ thuộc vào việc phun thuốc trừ sâu hóa học để tự bảo vệ mình. Thay vào đó, chúng tạo ra nhiều hợp chất bảo vệ hơn, cụ thể là chất chống oxy hóa. Điều này có thể giải thích phần nào mức độ cao hơn của chất chống oxy hóa trong những loại thực vật này.
Các loại cây trồng hữu cơ cũng đã được chứng minh là có hàm lượng nitrat thấp hơn. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức nitrat trong những thực phẩm hữu cơ có thể thấp hơn đến 30% so với những thực phẩm nuôi trồng theo phương pháp thông thường. Mức nitrat cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Ngoài ra, hàm lượng nitrat cao cũng có liên quan đến một tình trạng gọi là methemoglobin huyết, một căn bệnh ở trẻ sơ sinh ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy của cơ thể. Nói như vậy, nhiều người có thể cho rằng tác hại của nitrat đã bị phóng đại quá mức bởi những lợi ích của việc ăn rau quả vượt xa mọi tác động tiêu cực.
Sữa hữu cơ và các sản phẩm từ sữa có thể chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao hơn, lượng sắt, vitamin E và một số carotenoid cao hơn một chút so với các sản phẩm từ sữa thông thường khác. Tuy nhiên, sữa hữu cơ có thể chứa ít selen và iot hơn sữa không hữu cơ, hai khoáng chất cần thiết cho sức khỏe.
Một đánh giá dựa trên kết quả của 67 nghiên cứu cho thấy, thịt hữu cơ chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao hơn và lượng chất béo bão hòa thấp hơn một chút so với thịt thông thường. Việc hấp thụ nhiều axit béo omega-3 hơn có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và nhiều bệnh mạn tính khác.
Trong khi một số nghiên cứu cho thấy, thực phẩm hữu cơ chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, nhiều nghiên cứu khác lại không tìm thấy đủ bằng chứng để khuyến nghị nên ăn thực phẩm hữu cơ hơn thực phẩm vô cơ. Một nghiên cứu quan sát so sánh lượng dinh dưỡng hấp thụ của gần 4.000 người lớn tiêu thụ rau hữu cơ hoặc thông thường cho thấy kết quả trái ngược nhau. Mặc dù lượng chất dinh dưỡng nhất định hấp thụ cao hơn một chút trong nhóm hữu cơ nhưng điều này rất có thể là do mức tiêu thụ rau tổng thể cao hơn.
Đánh giá dựa trên kết quả của 55 nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt nào về hàm lượng dinh dưỡng của cây trồng hữu cơ so với cây trồng thông thường, ngoại trừ mức nitrat thấp hơn trong sản phẩm hữu cơ.
Một đánh giá khác dựa trên kết quả của 233 nghiên cứu cho thấy vẫn chưa có những bằng chứng chính xác để kết luận rằng thực phẩm hữu cơ giàu dinh dưỡng hơn thực phẩm thông thường. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là các nghiên cứu này khác nhau khá nhiều về kết quả. Điều này là do hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như chất lượng đất, điều kiện thời tiết và thời điểm thu hoạch cây trồng.
Thành phần của các sản phẩm sữa và thịt có thể bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về di truyền vật nuôi và giống vật nuôi, những gì vật nuôi ăn, thời gian trong năm và loại trang trại. Các biến thể tự nhiên trong quá trình sản xuất và xử lý thực phẩm làm cho việc so sánh trở nên khó khăn. Do đó, kết quả của các nghiên cứu này phải được diễn giải một cách thận trọng hơn.
3. Thực phẩm hữu cơ có tốt hơn các loại thực phẩm khác không ?
Nhiều người chọn mua thực phẩm hữu cơ để tránh các hóa chất nhân tạo. Bằng chứng cho thấy rằng, tiêu thụ những loại thực phẩm này có thể làm giảm mức độ tiếp xúc của con người với dư lượng thuốc trừ sâu và vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Một nghiên cứu cho thấy rằng, hàm lượng cadmium, một kim loại cực độc, thấp hơn 48% trong các sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, dư lượng thuốc trừ sâu có nguy cơ được tìm thấy trong các loại cây trồng phi hữu cơ cao gấp 4 lần. Điều quan trọng cần lưu ý là mức cadmium và dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm nuôi trồng thông thường vẫn thấp hơn nhiều so với giới hạn an toàn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo lắng rằng cadmium có thể tích tụ theo thời gian trong cơ thể, có khả năng gây hại. Rửa, chà, bóc và nấu thực phẩm có thể làm giảm nồng độ các hóa chất này, mặc dù không phải lúc nào nó cũng loại bỏ chúng hoàn toàn. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy nguy cơ tiếp xúc với dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm là nhỏ và không có khả năng gây hại.
Vì chăn nuôi hữu cơ không sử dụng kháng sinh trên động vật, các sản phẩm này thường chứa lượng vi khuẩn kháng kháng sinh thấp hơn một chút.
Có một số bằng chứng cho thấy rằng, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Ví dụ, một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn của các loại thực phẩm hữu cơ giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng chế độ ăn gồm các thực phẩm hữu cơ có thể có lợi cho sự tăng trưởng, sinh sản và hệ thống miễn dịch. Một nghiên cứu cũng báo cáo rằng, những con gà được nuôi bằng chế độ ăn hữu cơ cho thấy giảm tăng trọng và có hệ thống miễn dịch mạnh hơn.
Các nghiên cứu quan sát ở người đã chỉ ra mối liên kết giữa thực phẩm hữu cơ với việc giảm nguy cơ dị ứng và bệnh chàm ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu quan sát quy mô lớn tiến hành trên 623.080 phụ nữ không tìm thấy sự khác biệt về nguy cơ ung thư giữa những người không bao giờ ăn thực phẩm hữu cơ và những người ăn nó thường xuyên. Một nghiên cứu khác cho thấy mức độ chống oxy hóa cao hơn ở nam giới theo chế độ ăn uống hữu cơ. Tuy nhiên, nghiên cứu này nhỏ và phương pháp chọn mẫu là không ngẫu nhiên.
Khi theo dõi 16 người theo chế độ ăn hữu cơ và chế độ ăn thông thường trong khoảng thời gian 6 tuần, những người theo chế độ ăn hữu cơ có hàm lượng chất chống oxy hóa nhất định trong nước tiểu của họ cao hơn một chút. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng mạnh mẽ để xác nhận rằng thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người hơn thực phẩm thông thường.
Chỉ vì một sản phẩm được gắn nhãn “hữu cơ”, điều đó không có nghĩa là sản phẩm đó tốt cho sức khỏe. Một số sản phẩm này vẫn là thực phẩm chế biến sẵn có nhiều calo, đường, muối và chất béo bổ sung. Ví dụ, bánh quy hữu cơ, khoai tây chiên, nước ngọt và kem đều có thể được mua trong siêu thị.
Mặc dù là sản phẩm hữu cơ nhưng những sản phẩm này vẫn không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn đang cố gắng giảm cân hoặc ăn uống lành mạnh, bạn có thể sẽ thất bại nếu ăn quá nhiều những thực phẩm này.
Nhãn sản phẩm hữu cơ thường sẽ ghi rằng các thành phần là “tự nhiên” – ví dụ: Sử dụng đường mía thô thay vì đường thường. Tuy nhiên, đường vẫn là đường. Phần lớn dân số trên thế giới đã và đang tiêu thụ quá nhiều đường. Suy nghĩ rằng tiêu thụ nhiều đường hữu cơ sẽ tốt cho sức khỏe đơn là suy nghĩ sai lầm. Nói một cách dễ hiểu, khi bạn chọn đồ ăn vặt hữu cơ, có thể bạn chỉ là đang lựa chọn những loại thực phẩm chất lượng cao hơn một chút so với đồ ăn vặt thông thường.
Tuy nhiên, vì các quy định thường cấm sử dụng các chất phụ gia nhân tạo trong các loại thực phẩm nên sử dụng sản phẩm hữu cơ là một cách tốt để tránh việc tiếp xúc với quá nhiều hóa chất được thêm vào những món ăn vặt thông thường.
Thực phẩm hữu cơ có thể chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng hơn thực phẩm thông thường, mặc dù các bằng chứng vẫn còn rất hạn chế. Tiêu thụ thực phẩm hữu cơ cũng có thể làm giảm nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất nhân tạo, hormone và vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, thực phẩm hữu cơ thường đắt và dễ hư hỏng hơn. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa biết rõ liệu sử dụng thực phẩm hữu cơ có thực sự mang lại lợi ích sức khỏe nhiều hơn hay không. Do đó, có sử dụng sản phẩm hữu cơ hay không còn phụ thuộc vào sở thích và điều kiện của mỗi người.